Từ thời phong kiến, thước đo đánh giá người phụ nữ dựa theo tiêu chuẩn “công dung ngôn hạnh” “tam tòng tứ đức”. Đây được gọi là chuẩn mực đạo đức của người phụ nữ Việt Nam. Dựa vào đó để đánh giá nhân cách, cái đẹp, đạo đức của họ. Tuy nhiên ngày nay các quan niệm đã thay đổi dần, những người phụ nữ hiện đại không còn phải chịu quá nhiều áp lực vào các tiêu chuẩn cũ nữa. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu công dung ngôn hạnh là gì để biết những chuẩn mức đó thay đổi như thế nào nhé!
Tam tòng tứ đức là gì?
Trước khi nói về công dung ngôn hạnh thì trước hết ta cần phải hiểu cụm từ “tam tòng tứ đức”. Phân tích một cách kĩ càng thì chúng ta sẽ tách ra hai phần. Một vế đầu là “tam tòng” và vế sau là “tứ đức”. Vậy tam tòng là gì? Tam tòng chính là 3 điều mà người phụ nữ thời xưa phải tuân theo, và dựa vào đó để đánh giá phẩm chất những người phụ nữ đó.
Tam tòng bao gồm:
- Tại gia tòng phụ: Dịch sát nghĩa là “Ở nhà phải theo lời cha”. Tức khi người con gái sống ở nhà cùng cha mẹ thì phải biết nghe lời cha mẹ dạy bảo. Người con gái ngoan ngoãn là người phải biết vâng lời cha mẹ chỉ dạy.
- Xuất giá tòng phu: Dịch sát nghĩa là “Đi lấy chồng phải theo lời chồng”. Tức là người phụ nữ sau khi cưới chồng thì phải theo về nhà chồng và phải luôn nghe lời, nghe theo quyết định của người chồng. Lúc này người phụ nữ phải có trách nhiệm đứng sau hậu thuẫn chăm sóc cho gia đình, con cái, để người chồng còn lo việc lớn.
- Phu tử tòng tử: Dịch sát nghĩa là “Khi chồng chết thì phải theo lời con”. Khi người chồng mất thì người vợ sẽ không được đi bước nữa, phải ở vậy nuôi con đến khi trưởng thành. Và sau này tất cả những gì lớn bé trong gia đình là do con trai quyết định.
Sau khi giải nghĩa được ‘tam tòng” thì các bạn đã hiểu được phần nào về những gì người phụ nữ thời xưa phải tuân theo. Qua đó cũng cho ta thấy người phụ nữ ngày xưa đều phải lệ thuộc vào người đàn ông. Nữ giới phải sống cam chịu, gò bó, một mực tuân theo những người nam giới. Rõ ràng “tam tòng” sẽ không còn phù hợp với phụ nữ thời hiện đại ngày nay nữa. Vì xã hội hiện đại với quyền bình đẳng nam nữ nên “tam tòng” đã không còn được duy trì.
Vậy còn “tứ đức” là gì? Tứ đức chính là 4 phẩm chất, đức tính của người phụ nữ. Bao gồm: CÔNG – DUNG – NGÔN – HẠNH. Để hiểu rõ công dung ngôn hạnh là gì thì các bạn hãy qua phần tiếp theo nhé!
Công dung ngôn hạnh là gì?
Công dung ngôn hạnh là thước đo tiêu chuẩn áp định lên người phụ nữ thời xưa. Dựa vào tiêu chuẩn đó để người phụ nữ phải suốt đời rèn giũa, giữ gìn và phấn đấu. Để hiểu rõ nghĩa của công dung ngôn hạnh là gì thì chúng ta đi phân tích từng tiêu chuẩn sau:
- Công: Được hiểu như là “công danh” “công việc” của người phụ nữ. Công việc, nghề nghiệp ở đây không phải chức tước, làm to, mà chỉ là những việc tay chân, đồng áng, bếp núc, chăm lo cho con gái. Người phụ nữ có phẩm chất này phải biết giỏi các việc nhà, nấu nướng giỏi, lo toan chu toàn mọi công việc trong gia đình. Ngoài ra còn lo công việc đồng áng, nuôi trồng… Chữ “công” đối với phụ nữ hiện đại giống như các công việc nữ công gia chánh.
- Dung: Dung ở đây có nghĩa là dung mạo, nhan sắc, sắc đẹp. Người phụ nữ cần phải có dung mạo xinh đẹp, dịu hiền. Tuy nhiên nhan sắc ở đây không cần phải đẹp xuất sắc, mà chỉ vừa phải, không có nhược điểm gì trên cơ thể. Bởi vì theo quan niệm thời xưa thường có câu “Tốt mái hại trống, cái nết đánh chết cái đẹp…..” Chính vì thế người phụ nữ chỉ cần có dung nhan vừa phải, thuận mắt, nếu quá xinh đẹp sẽ gây tổn hại sức khỏe cho đàn ông.
Tiêu chuẩn cho người phụ nữ thời xưa thường là khuôn mặt trái xoan, lông mày lá liễu, mắt bồ câu, tóc đen dài, răng nhuộm đen hạt na, cơ thể đầy đặn, eo thắt đáy lưng ong.
- Ngôn: Ngôn là ngôn ngữ, lời nói, cách giao tiếp, ứng xử hằng ngày. Một người phụ nữ cần phải biết cách đối nhân xử thế, biết trái biết phải, ứng xử sao cho khôn khéo, được mọi người kính nể. Thời phong kiến, người phụ nữ cần phải ăn nói điềm đạm, ngọt ngào, biết giữ kẽ, đi thưa về gửi, một dạ hai vâng. Đây là chuẩn mực đánh giá một người phụ nữ thông minh, khéo léo.
- Hạnh: Chữ hạnh trong tiếng hán được hiểu là “đức hạnh”. Hạnh ở đây còn được hiểu là đạo làm người. Đây cũng là phẩm chất thứ tư trong 4 phẩm chất của công dung ngôn hạnh mà người phụ nữ cần có. Người phụ nữ phải biết bổn phận của mình, phải có nghĩa vụ với ông bà, cha mẹ, con cái… Thể hiện được lòng nhân ái, bao dung, hòa thuận, biết cách cư xử.
Ở một khía cạnh khác thì chữ “hạnh” ở đây còn thể hiện sự đoan chính, nghiêm chỉnh, nết na của người phụ nữ.
Ngoài ra phụ nữ thời phong kiến, chữ “Trinh” còn là một trong những tiêu chuẩn khắt khe nhất cao hơn cả “tứ đức”. Nếu cô gái nào mất trinh trắng thì người đó được đánh giá là hư hỏng, thiên hạ mỉa mai, chửi bới. Tệ hơn nữa là không được ai coi trọng, có khi sẽ không bao giờ lấy được chồng.
Vai trò của người phụ nữ xưa và nay
Nhưng phong tục, quy tắc, chuẩn mực cho người phụ nữ ngày xưa và nay đã dần dần được bỏ đi một phần nào. Một phần là do các giai đoạn phát triển của đất nước, nên đã đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá cho người phụ nữ là khác nhau. Chính vì vậy vai trò của người phụ nữ xưa và nay cũng khác nhau.
Nếu phụ nữ thời phong kiến lấy tam tòng tứ đức để làm thước đó, thì phụ nữ thời nay cũng giữ lại bản chất của thước đo đó, nhưng đã có nhiều thay đổi mới. Cụ thể là:
- Công: Phụ nữ hiện đại không phải hoàn toàn gồng gánh tất cả công việc gia đình từ nội trợ, chăm sóc con cái cho đến đồng áng nữa. Công việc của họ ngang hoặc thẩm chí còn giỏi hơn người đàn ông. Họ tham gia vào các công việc quan trọng trong nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, khoa học, nghệ thuật…
- Dung: Phụ nữ ngày nay vẫn luôn quan tâm đến nhan sắc của mình. Họ không chỉ có nhu cầu làm đẹp dung nhan mà còn làm đẹp sức khỏe. Kết hợp nhiều phương pháp hiện đại để hoàn thiện bản thân hơn.
- Ngôn: Không như phụ nữ phong kiến. Phụ nữ hiện đại không phải khúm núm, sống trong một khuôn phép đi thưa về gửi nữa. Họ tự do ngôn luận, tự do phát biểu và lời nói của người phụ nữ hiện đại đều có trọng lượng như nam giới.
- Hạnh: Phụ nữ có phẩm hạnh sẽ được đánh giá dựa vào từng hoàn cảnh sống. Họ được học hành, trao dồi kiến thức, không còn bị phân biệt coi là rẻ rúng, kinh thường, chèn ép. Đặc biệt không bị hai chữ “trinh tiết” đè nặng như thời phong kiến nữa.
Công dung ngôn hạnh của phụ nữ thời hiện đại đã hoàn toàn thay đổi so với phụ nữ thời phong kiến. Họ được đánh giá cao vị trí ở mọi mặt, không còn phụ thuộc vào đàn ông nữa. Xã hội càng phát triển, càng hiện đại thì phụ nữ càng có cơ hội tham gia nhiều hoạt động, gặt hái được nhiều thành công. Ở Việt Nam, người phụ nữ đã khẳng định được mình qua nhiều lĩnh lực. Đặc biệt phụ nữ còn có vai trò quan trọng trong bộ máy của nhà nước để cùng tham gia xây dựng và phát triển đất nước.
Qua bài viết này sẽ cho các bạn hiểu công dung ngôn hạnh là gì, tam tòng tứ đức là gì. Thực tế thì phụ nữ Việt Nam xưa và nay đều sử dụng công dung ngôn hạnh làm thước đo phẩm chất, giá trị của mình. Tuy nhiên ngày nay nó được lược bỏ những quan điểm phong kiến cổ hủ và thay thế theo hướng tích cực hiện đại để người phụ nữ có thể chỉn chu về mọi mặt.